Chăm sóc người mắc bệnh tiểu đường
Bệnh Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh rối loạn chuyển hóa, do nhiều nguyên nhân có đặc điểm đặc trưng là tăng glucosa máu mạn tính với các loại rối loạn chuyển hóa cacbonhydrat, protein và lipid do khiếm khuyết về Insulin, hoặc cả hai
Bệnh Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh rối loạn chuyển hóa, do nhiều nguyên nhân có đặc điểm đặc trưng là tăng glucosa máu mạn tính với các loại rối loạn chuyển hóa cacbonhydrat, protein và lipid do khiếm khuyết về Insulin, hoặc cả hai. Đái tháo đường gây tổn thương, rối loạn chức năng mạn tính ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt là mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu. Để hạn chế, kéo dài thời gian mắc bệnh đái tháo đường và làm chậm biến chứng của bệnh thì việc điều trị thuốc, kết hợp chế độ ăn, uống đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng, cân bằng đủ cả về số lượng và chất lượng, cùng với luyện tập hơp lý, duy trì cân nặng theo mong muốn, sẽ mang lại kết quả tốt cho điều trị bệnh đái tháo đường. Bài viết sau đây sẽ được Bác sĩ Nguyễn Thị Hậu khoa Kiểm soát bệnh không lây nhiễm và Dinh dưỡng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh giúp chúng ta hiểu hơn về chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh bệnh đái tháo đường, biết được những loại loại thực phẩm nào nên tránh và cần bổ sung cho cơ thể để kiểm soát tốt chỉ số đường máu và hạn chế mắc các biến chứng của bệnh.
Cơ thể chúng ta hoạt động cần có mức đường máu nhất định, bình thường đường máu của chúng ta dao động từ 3,3mmol – 5,5mmol hay từ 60 – 100mg/dl, cơ thể thu nhận đường nhờ việc phân hủy và tiêu hóa thức ăn gồm các chất tinh bột, đường, đạm và chất béo.
Nồng độ đường trong máu phụ thuộc vào việc cung cấp (qua ăn, uống và khả năng tự tạo đường của gan) và tiêu thụ ( vận động). Duy trì nồng độ đường trong máu bình thường là rất quan trọng đối với cơ thể khỏe mạnh. Nếu chế độ dinh dưỡng không hợp lý sẽ làm đường máu tăng cao, làm cơ thể mệt mỏi, trong cơ thể sẽ gây tích tụ nhiều chất cặn bã, ảnh hưởng đến mạch máu. Nếu đường máu hạ quá thấp não sẽ thiếu năng lượng để hoạt động, gây ra cơn hạ đường huyết, phải cấp cứu kịp thời, dễ nguy hiểm đến tính mạng.
TT Kiểm soát bệnh tật QN khám sức khỏe đo đường huyết tại nhà
Theo Bs Nguyễn Thị Hậu khoa Kiểm soát bệnh không lây nhiễm và Dinh dưỡng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết: Đái tháo đường chia ra làm 2 loại chính đó là: ĐTĐ typ1 và ĐTĐ typ 2.
ĐTĐ typ 1 (typ1): là ĐTĐ lệ thuộc Insulin (hay gặp ở người trẻ tuổi). Đây là một tình trạng rối loạn chuyển hoá, mà nguyên nhân chính là do tế bào beta của tuyến tuỵ không tổng hợp và tiết đủ insulin, lượng insulin lưu hành trong máu rất ít, nên không thể điều hoà được lượng glucose trong máu. ĐTĐ typ 1 là một bệnh thể nặng, thường xuất hiện đột ngột, diễn biến cấp tính, hay gặp sau khi nhiễm khuẩn hoặc nhiễm độc, có thể dẫn đến hôn mê.
Đái tháo đường typ2 (typ2): Khác với ĐTĐ typ 1, ĐTĐ typ 2 không lệ thuộc insulin. Do tụy tiết thiếu Insilin hoặc tiết Insulin kém chất lượng, gặp điều kiện bên ngoài là lối sống tĩnh tại, ít vận động, ăn nhiều, dẫn đến thừa cân phối hợp làm bệnh phát sinh. Thường xảy ra ở người trưởng thành (>40 tuổi), trong một thập kỷ gần đây bệnh có xu hướng trẻ hóa. Bệnh diễn biến âm thầm, kéo dài nhiều năm không có triệu chứng ở giai đoạn đầu. Các triệu chứng lâm sàng của tăng glucose máu như: khát, uống nhiều, tiểu nhiều, sút cân xuất hiện muộn sau nhiều năm khi bệnh không được phát hiện và điều trị. Thường phát hiện một cách ngẫu nhiên, hoặc khi đã nặng có biến chứng như: hôn mê, nhiễm khuẩn, tăng huyết áp, đi khám mắt hoặc xét nghiệm máu định kỳ.
Kiểm soát bệnh đái tháo đường:
Bs Nguyễn Thị Hậu khoa Kiểm soát bệnh không lây nhiễm và Dinh dưỡng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật QN cho biết: Để kiểm soát tốt chỉ số đường máu của người bệnh đái tháo đường, người bệnh phải luôn đảm bảo được 3 yếu tố quan trọng nhất: Chế độ dinh dưỡng cân bằng hợp lý, tuân thủ điều trị và tập luyện tập hợp lý.
Trong ba yếu tố trên, chế độ ăn là vấn đề rất quan trọng trong điều trị đái tháo đường, với mục đích nhằm đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng, cân bằng đủ cả về số lượng và chất lượng để có thể điều chỉnh tốt đường huyết, duy trì cân nặng theo mong muốn. Chế dộ dinh dưỡng điều trị cần thiết cá nhân hóa, phụ thuộc thói quen ăn uống, lối sống, điều kiện kinh tế, tình trạng bệnh và mục tiêu điều trị của người bệnh.
Các nguyên tắc chung về dinh dưỡng
Đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cân bằng cả về số lượng và chất lượng.
Không làm tăng đường huyết sau ăn, không làm hạ đường huyết xa bữa ăn.
Duy trì hoạt động thể lực bình thường hàng ngày.
Duy trì cân nặng hợp lý.
Không làm tăng các yếu tố nguy cơ như: tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa Lipid máu.
Không thay đổi quá nhanh và quá nhiều cơ cấu và khối lượng bữa ăn.
Đảm bảo người bệnh đái tháo đường có đủ sức khỏe để hoạt động và công tác tốt.
Tư vấn chế độ dinh dưỡng cho người cao tuổi tại nhà
Khẩu phần ăn, số bữa ăn:
Khẩu phần ăn phải đa dạng, cân đối, hài hòa các thành phần dinh dưỡng: Chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và chất khoáng, không bao giờ bỏ bữa.
Cần duy trì 3 bữa chính hàng ngày. Bệnh nhân kiểm soát tốt đường huyết, cân nặng. Số bữa ăn, khẩu phần ăn phụ thuộc và thói quen ăn uống, phong tục, tập quán và tình trạng bệnh lý của người bệnh.
Bữa phụ chỉ nên có ở những bệnh nhân có nguy cơ hạ đường huyết do thuốc: tiêm Insilin, thuốc kích thích tuyến tụy tiết insulin…(sau khi đã điều chỉnh liều thuốc), do bệnh lý gan, thận, người già…
Đối với bệnh nhân có biến chứng nặng nên có bữa phụ trước khi đi ngủ:
Những người luyện tập thể dục thể thao cường độ cao nên có bữa phụ trước khi tập luyện.
Nên sử dụng các loại hoa quả, các sản phẩm dinh dưỡng cho người bệnh ĐTĐ có chỉ số tăng đường huyết thấp.
Mức năng lượng của bữa phụ chỉ chiếm khoảng 10 -15% của tổng năng lượng của khẩn phần ăn cả ngày.
Các thành phần dinh dưỡng, thực phẩm
Chất bột đường: chiếm 50-60% tổng năng lượng
Chất bột đường (Glucid) bao gồm: ngũ cốc, các sản phẩm chế biến từ ngũ cốc, sữa, các sản phẩm từ sữa, rau, củ, quả, đường, mật ong… Đây là thành phần chủ yếu gây tăng glucose máu sau ăn.
Chất bột đường có trong nhiều loại thực phẩm khác nhau. Mỗi loại thực phẩm khi ăn vào đều là tăng đường huyết nhưng ở mức độ khác nhau. Khả năng làm tăng của 1 loại thực phẩm gọi là chỉ số tăng đường huyết (Glycemic Index – Gl). Thực phẩm tăng đường huyết thấp là thực phẩm có chỉ số Gl thấp ≤ 55%; trung bình 55-69% và cao ≥ 70%.
Tăng sử dụng những loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như: gạo giã rối, gạo nứt, ngũ cố nguyên hạt, bánh mỳ đen, các loại đậu và sản phẩm chế biến từ đậu (đậu phụ, rau xanh, hoa quả tươi có chỉ số Gl thấp).
Hạn chế sử dụng các thực phẩm có chỉ số Gl cao như: bánh, kẹo, nước ngọt, hoa quả ngọt…
Bữa ăn hỗn hợp bao gồm: glucid, protein, lipid và chất xơ… hạn chế tăng đường huyết.
Lưu ý: khẩu phần ăn hàng ngày bắt buộc phải có chất bột đường, mặc dù có hạn chế. Lượng chất bột đường tối thiểu trong khẩu phần ăn mỗi ngày ≥ 130g ( 3 lưng cơm + 200g trái cây/ngày).
Chất đạm: chiếm 15-20% tổng năng lượng các loại họ đậu, đỗ, vừng lạc, vừng…
Chất đạm (Protein) bao gồm protein có nguồn gốc động vật (thịt, cá, trứng, sữa) và protein có nguồn gốc thực vật (vừng lạc, đậu, đỗ).
Nói chung, chất đạm hầu như không hạn chế chặt chẽ như tinh bột, chất béo bão hòa, cholesterol. Tổng lượng chất đạm vào khoảng1-1,5g/kg cân nặng/ngày. Tuy nhiên cần giảm chất đạm đối với người bệnh có bệnh kèm theo như suy thận, gút.
Chất béo: chiếm 20 – 30% tổng năng lượng.
Chất béo (Lipid) bao gồm acid béo bão hòa, acid béo không no một hoặc nhiều nối đôi và cholesterol. Mỗi thành phần chất béo có một tác động khác nhau đối với sức khỏe, đặc biệt hệ tim mạch.
Các acid bão hòa không tốt cho sức khỏe gây tăng cân, do vậy các thực phẩm chứa nhiều acid béo không bão hòa cần hạn chế: thịt mỡ, các sản phẩm chế biến từ thịt lợn: giò, chả…, bơ, pho mát…
Cholesterol là thành phần làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch do vậy cần hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều cholesterol là phủ tạng động vật ( óc, lòng, tim..).
Nên sử dụng các acid béo không no tốt cho sức khỏe như dầu thực vật, mỡ cá, các hạt chứa dầu ( lạc, vừng, hạt hướng dương, hạt bí, hạt điều).
Chất béo cung cấp nhiều năng lượng( 1g chất béo, cung cấp 9 kcal, trong khi 1 gam chất bột đường hoặc 1 gam chất đạm chỉ cung cấp 4 kcal), vì vậy nên hạn chế sử dụng đồ chiên, rán…sử dụng nhiều dầu mỡ ( bánh rán, các loại khoai tây chiên…).
Ưu tiên sử dụng các món nộm, sa nát trộn,,các món chế biến ở nhiệt độ thấp thay vì nướng, rán ở nhiệt độ cao kéo dài hoặc sử dụng lại nhiều lần do các acid béo bị biến đổi ở nhiệt độ cao tạo ra các acid béo thể trans là chất gây xơ vữa động mạch.
Chất xơ
Chất xơ có nhiều trong rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, hoa, quả tươi ít ngọt. Chất xơ có tác dụng kéo dài quá trình tiêu hóa, làm giảm đường huyết sau ăn. Mặt khác chất xơ còn có tác dụng làm đầy dạ dày nên tăng cảm giác no, giảm hấp thu chất béo nên giảm lipid máu.
Người bệnh ĐTĐ cần tăng cường các thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, hoa quả chín ít ngọt, ngũ cốc nguyên hạt.
Nên ăn mỗi bữa một bát con rau( 150 -200g/bữa) khi bắt đầu ăn.
Ăn giảm muối
Chế độ ăn nhiều muối làm tăng nguy cơ tăng huyết áp. Do vậy người bệnh nên giảm muối, ăn nhạt, đặc biệt bệnh nhân có tăng huyết áp.
Hạn chế các loại thực phẩm có nhiều muối trong quá trình bảo quản hoặc chế biến: nước mắm, cà muối, mỳ tôm, bánh mặn, xúc xích, giò chả.
Hoa quả: 300 -400g/ngày
Hoa quả tươi quan trọng cung cấp nhiều vitamin, khoáng và chất xơ.
– Nên sử dụng hoa quả có chỉ số tăng đường huyết thấp: bưởi, táo, quýt, cam, thanh long.
– Hạn chế hoa quả sấy khô, hoa quả có chỉ số đường huyết cao: nhãn, vải, dưa hấu…
– Nên ăn hoa quả tươi dạng múi, miếng, hạn chế vắt nước, xay, dầm…
Trứng
Lòng đỏ trứng chứa nhiều cholesterol và chất làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch nhưng cũng rất giàu acid amim quý( cơ thể không tự tổng hợp được) do vậy người bệnh vẫn ăn trứng gà, nhưng không nên quá 4 lần/ tuần.
Thực phẩm không nên ăn, hạn chế
Những thức ăn như phủ tạng động vật, thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, lạp xưởng, thịt nguội, cũng góp phần ảnh hưởng tới sức khỏe.
Không nên uống rượu, bia, hút thuốc.
Chỉ nên sử dụng: nước ngọt, nước mía bánh kẹo ngọt cho trường hợp cấp cứu hạ đường huyết.
Hiểu rõ tầm quan trọng của dinh dưỡng trong điều trị bệnh đái tháo đường và cách chọn lựa thực phẩm phù hợp giúp người bệnh kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường và giảm được nguy cơ các biến chứng nguy hiểm.
Xin cảm ơn bác sĩ về những thông tin hữu ích!
Nguồn: suckhoequangninh.vn