Bảo vệ việc nuôi con bằng sữa mẹ: Chia sẻ trách nhiệm chung
Nuôi con bằng sữa mẹ là một biện pháp tự nhiên vừa tốt cho sự phát triển của trẻ vừa bảo vệ sức khỏe của bà mẹ, đồng thời giúp cho việc gắn bó tình cảm mẹ con. Có những mẹ may mắn khi việc nuôi con diễn ra thuận lợi nhưng cũng có nhiều mẹ gặp khó khăn khi cho con bú. Hưởng ứng tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ năm nay ( 01-07/8) với chủ đề “ Bảo vệ việc nuôi con bằng sữa mẹ: Chia sẻ trách nhiệm chung”, bác sĩ Nguyễn Thị Lan Anh – Khoa Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh sẽ giải đáp những thắc mắc thường gặp của các gia đình khi nuôi con bằng sữa mẹ.
Nuôi con bằng sữa mẹ là một biện pháp tự nhiên vừa tốt cho sự phát triển của trẻ vừa bảo vệ sức khỏe của bà mẹ, đồng thời giúp cho việc gắn bó tình cảm mẹ con. Có những mẹ may mắn khi việc nuôi con diễn ra thuận lợi nhưng cũng có nhiều mẹ gặp khó khăn khi cho con bú. Hưởng ứng tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ năm nay ( 01-07/8) với chủ đề “ Bảo vệ việc nuôi con bằng sữa mẹ: Chia sẻ trách nhiệm chung”, bác sĩ Nguyễn Thị Lan Anh – Khoa Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh sẽ giải đáp những thắc mắc thường gặp của các gia đình khi nuôi con bằng sữa mẹ.
Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết, những lợi ích khi trẻ được bú mẹ ngay sau sinh và bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu?
Bs. Nguyễn Thị Lan Anh: Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất và cần thiết cho trẻ khi mới ra đời. Nuôi con bằng sữa mẹ là một biện pháp tự nhiên, kinh tế và hiệu quả để bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
Lợi ích đối với trẻ
Là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của trẻ trong 6 tháng đầu.
Thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ. Giúp trẻ phát triển trí não tối ưu. Phòng ngừa các bệnh nhiễm khuẩn, nhất là tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp. Sữa mẹ có tác dụng chống dị ứng cho trẻ, dễ tiêu hóa, sử dụng hiệu quả.
Cung cấp đầy đủ nước cho trẻ trong vòng 6 tháng đầu. Đảm bảo dinh dưỡng nhất là trong trường hợp khẩn cấp (bão lụt,…). Sạch sẽ, luôn sẵn sàng và ở nhiệt độ phù hợp.
Lợi ích đối với bà mẹ
Cho trẻ bú sớm ngay sau khi sinh giúp xổ rau, kích thích co hồi tử cung và giảm nguy cơ chảy máu sau đẻ cho mẹ. Cho trẻ bú ngay và thường xuyên sẽ kích thích tăng cường sản xuất sữa và phòng cương tức vú cho mẹ.
Bú mẹ có lợi ích kinh tế cao (tiết kiệm chi phí). Giúp tăng cường tình cảm mẹ con. Giảm nguy cơ ung thư vú, ung thư buồng trứng cho mẹ. Chậm có kinh trở lại và chậm có thai trở lại giúp mẹ KHHGĐ
Lợi ích với xã hội
Giảm nguy cơ bệnh tật.
Giảm các chi phí y tế.
Nuôi con bằng sữa mẹ vừa tốt cho sự phát triển của trẻ vừa bảo vệ sức khỏe của bà mẹ
Phóng viên: Làm thế nào để cho trẻ bú tốt ngay sau sinh, thưa bác sĩ?
Bs. Nguyễn Thị Lan Anh: Nên cho con bú ngay sau khi sinh, trong vòng khoảng 30 phút đến 1 giờ. Mặc dù sữa non rất ít, chỉ khoảng 3 – 5ml sữa nhưng đó là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời mà bé bú được.
Cho con bú đúng cách:
Tư thế người mẹ: Mẹ ngồi tư thế thoải mái. Thân bé sát với mẹ, đầu và thân bé ở trên cùng một đường thẳng, mặt quay vào vú mẹ, môi bé đối diện với núm vú. Mẹ nâng đỡ toàn bộ người của bé.
Cho bé ngậm bắt vú: Hãy để cho miệng bế ngậm bắt núm vú, môi dưới hướng ra ngoài, lưỡi chum quanh bầu vú, má chụm tròn. Hãy quan sát điều chỉnh sao cho phần quàng vú còn lại ở phía trên nhiều hơn phía dưới.
Khi thấy bé mút chậm, sâu, thỉnh thoảng dừng lại rồi bú tiếp là đúng. Mẹ có thể nhìn thấy hoặc nghe thấy bé nuốt mà mẹ không bị đau đầu vú.
Phóng viên: Bao nhiêu lâu thì cho trẻ bú một lần và làm thế nào để biết trẻ đã bú đủ no, thưa bác sĩ?
Bs. Nguyễn Thị Lan Anh: Cho bé sơ sinh bú theo nhu cầu, khi bé đói. Các dấu hiệu cho thấy bé đã muốn bú: ngọ nguậy đầu, há miệng, thè lưỡi, cho bàn tay hoặc cả nắm tay vào miệng, chụm môi như đang bú, rúc vào ti mẹ, thể hiện phản xạ tìm kiếm (miệng bé quay về phía có vật chạm vào má).
Cũng cần để ý rằng rất nhiều khi bé khóc không phải vì đói. Đôi khi bé chỉ cần được ôm ấp hoặc thay tã là đủ. Hoặc cũng có khi bé khóc vì nóng quá, lạnh quá, vì phấn chấn quá hoặc buồn tẻ quá.
Có thể đánh giá việc trẻ đã bú no hay chưa dựa vào hai biểu hiện chính: bé hài lòng và tăng cân đều sau tuần đầu tiên.
Một số biểu hiện khác để nhận biết bé đã bú đủ: Bé nhanh nhẹn, tỉnh táo, khóc to, môi hồng hào và ẩm ướt; bé thỏa mãn và thư giãn sau cữ bú; bầu vú mẹ mềm hơn sau mỗi lần cho con bú; bé đi tiểu đủ, nước tiểu trong hoặc vàng nhạt, không có màu vàng đậm hay da cam, không có mùi khó chịu; bé đại tiện đủ.
Các dấu hiệu cho thấy bé đã muốn bú
Phóng viên: Trường hợp mẹ ít sữa thì phải làm sao, thưa bác sĩ?
Bs. Nguyễn Thị Lan Anh: Một số cách sau có thể giúp mẹ cải thiện tình trạng ít sữa hiệu quả.
Cho trẻ bú đúng cách.
Cho bé bú đến khi mẹ cạn sữa: Với những mẹ vốn ít sữa, hãy kiên nhẫn cho bé bú đến khi nào bé tự nhả vú mẹ. Nếu được, mẹ hãy cho bé bú cả 2 bên ngực trong mỗi lần.
Cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn: Hãy hạn chế cho bé bú kết hợp cả sữa công thức. Nếu mẹ không gặp bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe thì chắc chắn tình trạng ít sữa sẽ được cải thiện khi thực hiện đúng các lời khuyên dưới đây.
Vắt sữa mẹ giữa các lần cho bé bú: nếu thường xuyên sử dụng máy vắt sữa giữa các lần cho con bú, sữa mẹ sẽ được kích thích ra nhiều hơn. Trong những lần đầu tiên vắt sữa, mẹ có thể thấy đau tức ngực do chưa quen sử dụng máy vắt. Tuy nhiên, khi sữa về đủ nhiều, mẹ sẽ cảm thấy sự kiên trì của mình được đền bù xứng đáng.
Mẹ cần nghỉ ngơi đủ và để tinh thần thư thái: không tạo nên quá nhiều áp lực cho bản thân, mẹ cần tin tưởng mình sẽ có đủ sữa cho con.
Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho mẹ: Khẩu phần ăn cần tăng thêm khoảng 350Kcal/ngày, tương đương khoảng 1/4 lượng thức ăn so với ngày thường. Bữa ăn của mẹ cần đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm. Nhóm chất bột đường (cơm, khoai, bánh mì, bún phở…); Nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, tôm cua…..); nhóm chất béo (dầu, mỡ, bơ, lạc….); Nhóm Vitamin và khoáng chất (rau xanh, quả chín). Mỗi bữa ăn mẹ nên ăn thêm một bát cơm hoặc một củ khoai cùng ít thịt cá, trứng, đậu đỗ, rau củ và quả chín….
Uống nước đủ: Người mẹ cần cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể, có thể là uống sữa hay nước ép trái cây đều rất tốt trong thời gian cho bé bú, uống đủ nước giúp cơ thể mẹ tiết ra nhiều sữa cho bé hơn.
Phóng viên: Bố và những người thân trong gia đình có thể làm gì để giúp mẹ trong việc nuôi con bằng sữa mẹ, thưa bác sĩ?
Bs. Nguyễn Thị Lan Anh:Tất cả mọi người đều có trách nhiệm đảm bảo cho các trẻ sinh ra có cơ hội được hưởng nguồn dinh dưỡng tốt nhất trong những năm tháng đầu đời, tạo nền móng để phát triển tầm vóc, thể lực của người Việt Nam. Do đó, người cha và các thành viên trong gia đình cần tích cực hỗ trợ người mẹ trong việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Bảo vệ việc nuôi con bằng sữa mẹ Chia sẻ trách nhiệm chung
Những việc người chồng cần làm để vợ có nhiều sữa cho con bú như: Chăm sóc sức khỏe vợ; Nhắc vợ cho con bú ngay sau khi sinh; Nhắc vợ cho con bú thường xuyên; Chia sẻ công việc nhà với vợ giúp vợ đảm bảo sức khỏe cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
Phóng viên: Xin cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ những thông tin hữu ích!
Theo: Hải Ninh (CDC Quảng Ninh)
https://suckhoequangninh.vn/bao-ve-viec-nuoi-con-bang-sua-me-chia-se-trach-nhiem-chung/