Trào ngược dạ dày có mối liên quan đến lo âu, stress?
SKĐS - Trào ngược dạ dày khiến người bệnh có cảm giác đau rát nóng ở ngực, việc điều trị dai dẳng, kéo dài khiến người bệnh lo âu, căng thẳng và stress.
SKĐS - Trào ngược dạ dày khiến người bệnh có cảm giác đau rát nóng ở ngực, việc điều trị dai dẳng, kéo dài khiến người bệnh lo âu, căng thẳng và stress.
Tưởng như không liên quan nhưng nếu bị trào ngược dạ dày lâu dài thì việc kết hợp giữa bác sĩ tiêu hóa và bác sĩ tâm thần trong điều trị là điều nên làm. Stress và lo âu có thể làm cho các triệu chứng trào ngược trở nên tồi tệ hơn. Lo âu và stress cũng có thể là yếu tố góp phần gây trào ngược dạ dày. Ngược lại, trào ngược dạ dày có thể gây stress và gây lo âu ở một số người.
Những người không đáp ứng hoặc điều trị dai dẳng không đỡ, có thể cần khám và điều trị với chuyên gia sức khỏe tâm thần.
Việc điều trị trào ngược dạ dày dai dẳng, kéo dài khiến người bệnh lo âu, căng thẳng và stress.
Trào ngược dạ dày là gì?
Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng dịch dạ dày gồm acid HCL, pepsin, dịch mật, thậm chí là cả thức ăn bị đẩy ngược từ dạ dày lên thực quản. Trào ngược dạ dày thực quản được chia làm 2 dạng là trào ngược sinh lý và trào ngược bệnh lý.
– Trào ngược sinh lý, chức năng thường không ảnh hưởng sinh hoạt và phát triển thể chất của cơ thể.
– Trào ngược bệnh lý có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, viêm thực quản, và một số biến chứng hô hấp, tiêu hóa khác, thậm chí có nguy cơ tử vong.
Những người bị trào ngược dạ dày thường bị ợ hơi, ợ nóng, ợ chua, buồn nôn, nôn. Bệnh nhân cảm thấy đau rát ngực, nuốt khó, hay bị ho, khàn giọng. Tăng tiết nước bọt nhiều hơn bình thường. Dịch vị trào lên kèm theo dịch mật khiến người bệnh có cảm giác đắng miệng.
Tại sao lo âu, stress khiến tình trạng trào ngược dạ dày thực quản nặng hơn?
Stress gây ra bệnh đau dạ dày là bởi:
- Hệ thống tiêu hóa được điều khiển bởi hệ thống thần kinh ruột - giao tiếp với hệ thống thần kinh trung ương. Khi có sự căng thẳng thì hệ tiêu hóa bị ngưng trệ do hệ thống thần kinh trung ương tắt lưu lượng máu, ảnh hưởng đến các cơn co thắt của cơ bóp tiêu hóa, giảm tiết cần thiết cho việc tiêu hóa.
- Lo âu và stress có thể gây ra sự co thắt ở thực quản, có thể làm giảm áp lực ở cơ thắt thực quản dưới, đây là dải cơ giữ cho dạ dày đóng lại và ngăn axit rò rỉ vào thực quản.
- Phản ứng stress và lo âu có thể gây căng cơ kéo dài. Nếu điều này ảnh hưởng đến các cơ xung quanh dạ dày, nó có thể làm tăng áp lực trong dạ dày và đẩy axit lên cao.
- Mức độ lo âu cao có thể làm tăng sản sinh axit dạ dày.
- Trào ngược dạ dày khiến mọi người lo âu vì có thể nghĩ triệu chứng như đau ngực với các tình trạng nghiêm trọng khác như đột quỵ, ung thư...
Sự kết hợp của các yếu tố này có thể tạo điều kiện cho một vòng luẩn quẩn phát triển. Trào ngược dạ dày có thể gây stress và lo âu, tuy nhiên stress và lo âu cũng góp phần gây ra trào ngược dạ dày nặng hơn.
Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày là phương pháp hiệu quả giúp giảm áp lực lên dạ dày – thực quản, tránh tình trạng trào ngược. Ảnh minh hoạ.
Thay đổi thói quen ăn uống để hạn chế trào ngược dạ dày
Bên cạnh việc kiểm soát các thực phẩm đưa vào cơ thể, người bệnh cũng cần xây dựng thói quen ăn uống khoa học. Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày là phương pháp hiệu quả giúp giảm áp lực lên dạ dày – thực quản, tránh tình trạng trào ngược. Người bệnh cũng nên chú ý ăn chậm nhai kỹ, tránh nằm ngay sau khi ăn hay ăn trước khi ngủ.
Người bệnh trào ngược dạ dày thực quản nên ăn gì?
- Bánh mì, bột yến mạch khả năng thấm hút dịch vị hiệu quả làm giảm lượng axit dư thừa, từ đó giảm triệu chứng đau thượng vị.
- Đạm dễ tiêu đến từ các loại thịt, cá lạc có hàm lượng protein cao trong khi chứa ít các chất béo là thực phẩm thân thiện với dạ dày, đồng thời góp phần trung hòa axit, hạn chế tình trạng trào ngược.
- Sữa chua giúp làm thuyên giảm các triệu chứng đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi, ợ nóng… Đồng thời giúp tăng cường hệ miễn dịch đường ruột.
Những thực phẩm cần tránh
- Thực phẩm chứa nhiều chất béo có hại như đồ chiên rán, bơ, phô mai, sốt kem…
- Cà phê, bia rượu, đồ uống có ga.
- Hoa quả có vị chua.
- Các loại gia vị nồng, gắt như chanh, tỏi, ớt, tiêu, bạc hà… có thể kích thích niêm mạc dạ dày thực quản gây cảm giác nóng rát.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/trao-nguoc-da-day-co-moi-lien-quan-den-lo-au-stress-169230924200529288.htm?fbclid=IwAR0Ws-qpKxTV_RCLasKRp5QuutUz9ozX78t0_MgElTfB2ERdVzdsdOOwtX0