Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: Nguyên nhân gây tử vong xếp hàng thứ 3
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) có các triệu chứng đặc trưng về hô hấp dai dẳng và giới hạn lưu lượng khí thở do sự bất thường của đường thở và/hoặc phế nang.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được xếp hàng thứ 3 trong số nguyên nhân gây tử vong của các loại bệnh tại Việt Nam. Bệnh có thể phòng và điều trị được.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là gì?
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) có các triệu chứng đặc trưng về hô hấp dai dẳng và giới hạn lưu lượng khí thở do sự bất thường của đường thở và/hoặc phế nang.
Bệnh thường gây nên bởi sự phơi nhiễm đáng kể với các hạt bụi hoặc khí độc hại và bị ảnh hưởng bởi các yếu tố vật chủ bao gồm cả sự bất thường trong quá trình phát triển của phổi.
Gia tăng số ca mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng và là một trong những bệnh gây tử vong cao xếp hàng thứ 3. Đây là bệnh có thể phòng và điều trị được.
Nguyên nhân do hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường, khói bụi, thuốc lá… ngày càng nặng làm gia tăng số ca mắc phổi tắc nghẽn mạn tính. Trước đây, phổi tắc nghẽn mạn tính thường gặp ở những người cao tuổi (trên 65 tuổi) và hút thuốc. Tuy nhiên, bệnh phổi tắc nghẹn mạn tính ngày càng có xu hướng trẻ hóa, hơn nữa mức độ nặng ngày càng tăng.
Phổi tắc nghẽn mạn tính ngày càng trẻ hóa
Nguyên nhân khiến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có xu hướng trẻ hóa chủ yếu là do:
- Ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí ngày càng tăng.
- Thuốc lá điện tử. Hiện nay, giới trẻ lầm tưởng thuốc lá điện tử không có hại nhưng thực tế thuốc lá điện tử vô cùng có hại đối với sức khỏe. Những loại hóa chất trên thuốc lá điện tử ngày một nhiều, khoa học chưa thể chứng minh hết những tác hại mà chúng đem lại. Các chất này khi đốt cháy, dựa theo từng mức độ nhiệt còn có thể biến đổi và tạo ra nhiều hóa chất khác nhau.
Từ các yếu tố tác động trên khiến việc xuất hiện những bệnh nhân có những triệu chứng về hô hấp nhưng không liên quan đến bệnh nền hoặc tuổi cao.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể phòng và điều trị được.
Bên cạnh đó còn có một số nguyên nhân khiến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ngày càng nặng hơn như:
- Tâm lý chủ quan của người bệnh. Bệnh nhân thường có tâm lý ngại đến bệnh viện, thay vào đó tự ý mua thuốc điều trị các triệu chứng. Do vậy việc không điều trị đúng giai đoạn khiến bệnh tình trở nặng nhiều hơn.
- Người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sẽ phải điều trị đến suốt đời. Chính vì vậy bác sĩ cần tư vấn cho bệnh nhân bên cạnh việc dùng thuốc, việc điều trị dự phòng rất quan trọng. Bệnh nhân không chỉ đơn thuần dùng thuốc điều trị mà còn cần phải phòng bệnh bởi Việt Nam là nước có khí hậu nóng ẩm, khói bụi ô nhiễm ngày càng tăng. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều virus mới, biến chủng mới, do vậy bệnh nhân cần biết cách phòng tránh các bệnh về hô hấp, để bệnh không trở nặng hơn. Từ đó tránh bệnh chuyển bậc, chuyển giai đoạn khiến tỷ lệ nhập viện, điều trị nội trú cao hơn, vòng xoắn bệnh lý với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ngày càng nặng hơn.
- Những người có bệnh lý nền: Trên những bệnh nhân mắc bệnh nền đái tháo đường, tăng huyết áp, gan thận, tim mạch… trên bệnh nhân tuổi cao.
Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính vốn đã ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe nhưng với những bệnh nhân mắc thêm bệnh nền (tim mạch, tiểu đường, gan, thận…) thường sẽ gặp các vòng xoắn bệnh lý khi bệnh nhân dùng thuốc và các tương tác thuốc. Lúc này, tỷ lệ bệnh nhân phải nhập viện điều trị và khó thoát ra khỏi tình trạng nặng, tiên lượng điều trị cho bệnh nhân sẽ khó khăn hơn.
Do vậy với những trường hợp dùng nhiều loại thuốc, bệnh nhân cần xin ý kiến và tuân thủ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Tránh trường hợp lo lắng về bệnh tật, uống quá nhiều thuốc dẫn theo các chỉ số tăng nặng hơn. Thậm chí có những trường hợp bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ảnh hưởng đến chức năng gan thận do tương tác thuốc gây ra. Lúc này việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn, tiên lượng bệnh nhân dễ trở nặng trên vòng xoắn bệnh lý.
Ai có nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính?
- Những người có triệu chứng ho, khó thở và khạc đờm kéo dài.
- Những bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ như mắc các bệnh mạn tính về hô hấp.
- Trên những bệnh nhân hút thuốc lá hoặc những bệnh nhân có những bệnh lý nghề nghiệp; công việc tiếp xúc với khói bụi, tiếp xúc với môi trường ô nhiễm….
Người bệnh nên đến thăm khám sớm tại các cơ sở y tế chuyên sâu để đo chức năng hô hấp. Từ đó chẩn đoán xác định, đánh giá bậc nguy cơ để đưa ra những tư vấn điều trị duy trì chức năng phổi, không làm chức năng phổi suy giảm.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/benh-phoi-tac-nghen-man-tinh-nguyen-nhan-gay-tu-vong-xep-hang-thu-3-169231004110032445.htm