Chủ động phòng bệnh tay chân miệng đang vào mùa
Theo số liệu giám sát của Bộ Y tế, hơn 2 tháng đầu năm 2023, cả nước đã ghi nhận 315 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (TCM), cao hơn 2,2 lần so với cùng kì năm 2022 (96 trường hợp). Số ca mắc tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình… Dự báo trong thời gian tới số ca mắc còn có thể tiếp tục gia tăng. Tại Quảng Ninh, tính đến ngày 13/3, toàn tỉnh ghi nhận 11 ca mắc Tay chân miệng lâm sàng, riêng tuần 10 ghi nhận chùm 04 ca bệnh tại Ba Chẽ, trong đó 02 trường hợp có kết quả dương tính với EV71 (typ virus thường gây thể nặng trên bệnh nhân mắc tay chân miệng).
Theo số liệu giám sát của Bộ Y tế, hơn 2 tháng đầu năm 2023, cả nước đã ghi nhận 315 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (TCM), cao hơn 2,2 lần so với cùng kì năm 2022 (96 trường hợp). Số ca mắc tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình… Dự báo trong thời gian tới số ca mắc còn có thể tiếp tục gia tăng. Tại Quảng Ninh, tính đến ngày 13/3, toàn tỉnh ghi nhận 11 ca mắc Tay chân miệng lâm sàng, riêng tuần 10 ghi nhận chùm 04 ca bệnh tại Ba Chẽ, trong đó 02 trường hợp có kết quả dương tính với EV71 (typ virus thường gây thể nặng trên bệnh nhân mắc tay chân miệng).
Tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh rất dễ lây cho người khác nếu hành vi vệ sinh không đảm bảo. Bệnh có quanh năm và tăng mạnh vào khoảng thời gian từ tháng 3- 5 và tháng 9- 10. Bệnh có khả năng bùng phát thành dịch lớn nếu không kịp thời kiểm soát và phòng ngừa.
Bệnh TCM thường gặp ở trẻ nhỏ và rất dễ lây, nếu vệ sinh không đảm bảo. Bệnh có các dấu hiệu đặc trưng như: Sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước và thường thấy ở lòng bàn tay, bàn chân, mông… Một số trẻ có thể đau miệng, bỏ ăn, nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, quấy khóc.
Một số triệu chứng điển hình của bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ
Về lâm sàng, bệnh TCM được chia ra làm 4 giai đoạn phát triển:
Giai đoạn ủ bệnh: thường kéo dài từ 3 – 7 ngày sau khi trẻ bị lây nhiễm virus tác nhân từ nước bọt, phỏng nước trên da và phân của người mắc bệnh. Môi trường lây nhiễm chủ yếu từ môi trường nhà trẻ mẫu giáo hoặc các khu vui chơi công cộng.
Giai đoạn khởi phát: Giai đoạn lúc mới khởi bệnh sẽ kéo dài từ 1 – 2 ngày với các triệu chứng TCM tương tự như bệnh cúm: Sốt nhẹ hoặc cao, cảm thấy mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, có thể kèm ói, tiêu chảy nhiều lần trong ngày. Trên thực tế, nhiều phụ huynh không biết trẻ bệnh TCM sốt bao nhiêu ngày, điều này vô cùng nguy hiểm, dẫn tới chủ quan và không xử trí kịp thời nếu như có biến chứng xảy ra. Ở giai đoạn khởi phát bệnh tay chân miệng, trẻ có thể sốt nhẹ và vừa trong giai đoạn khởi phát cũng như toàn phát. Tuy nhiên nếu sốt cao liên tục trên 39 độ C và kéo dài từ 3 ngày trở lên, đặc biệt ở trẻ nhỏ hơn 3 tuổi, thì đây có thể là dấu hiệu của nguy cơ biến chứng viêm não.
Giai đoạn toàn phát: Giai đoạn toàn phát có thể kéo dài 3 – 10 ngày, bệnh nhi sẽ đối mặt với các triệu chứng điển hình ở tay – chân – miệng, bao gồm: Loét miệng, phát ban dạng phỏng nước, sốt nhẹ và nôn. Tuy nhiên nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều thì nguy cơ dẫn đến biến chứng là khá cao. Trong đó, biến chứng về thần kinh, tim mạch, hay hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5 phát bệnh.
Giai đoạn lui bệnh: Sau thời kỳ toàn phát nếu trẻ hồi phục hoàn toàn mà không gặp bất cứ biến chứng nào thì sẽ bước vào giai đoạn lui bệnh. Thời kỳ cuối này thường là từ 3 – 5 ngày sau phát bệnh hoặc 7 ngày tính từ lúc khởi bệnh.
Thực tế không phải bệnh nhân nào mắc tay chân miệng cũng trải qua những diễn tiến giống nhau. Bốn giai đoạn phát triển bệnh điển hình như trên thuộc thể cấp tính. Ngoài ra còn có hai thể lâm sàng khác là: Thể tối cấp, bệnh tiến triển rất nhanh và xuất hiện các biến chứng nặng như suy tuần hoàn – hô hấp, hôn mê dẫn đến tử vong chỉ trong vòng 24 – 48 giờ; Thể không điển hình: Dấu hiệu phát ban không rõ ràng hoặc chỉ có loét miệng, hay một triệu chứng thần kinh / tim mạch / hô hấp mà không xuất hiện cả phát ban lẫn loét miệng.
Nếu phát hiện trẻ mắc bệnh, nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được điều trị sớm. Hầu hết các ca bệnh TCM đều diễn biến nhẹ, có thể chữa khỏi tại nhà. Tuy nhiên, nếu không được điều trị và chăm sóc kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch dẫn đến tử vong.
Trẻ nhỏ là đối tượng có nguy cơ cao lây nhiễm virus và mắc bệnh hơn người lớn vì khả năng đề kháng, miễn dịch yếu. Hầu hết người lớn được miễn dịch nhưng những trường hợp thanh thiếu niên và người trưởng thành bị nhiễm virus cũng không hiếm. Phụ nữ mang thai cần phòng tránh bệnh, không nên tiếp xúc gần gũi với người nhiễm bệnh bởi có khả năng lây nhiễm và truyền virus sang cho con ngay trước khi sinh hoặc trong khi sinh. Điều đáng lưu ý, một người có thể nhiễm bệnh tay chân miệng nhiều lần do mỗi lần nhiễm bệnh cơ thể chỉ tạo ra kháng thể với một loại virus nhất định. Do đó dù đã từng nhiễm, người bệnh vẫn có thể mắc bệnh trở lại nếu bị nhiễm virus khác thuộc nhóm Enterovirus.
Khuyến cáo phòng bệnh
Bệnh TCM chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu, vì vậy để chủ động phòng chống TCM đang có chiều hướng gia tăng như hiện nay, các bác sĩ khuyến cáo cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hay cho trẻ ăn, trước khi bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Ăn chín, uống sôi; vệ sinh vật dụng ăn uống sạch sẽ trước khi sử dụng; thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như: Đồ chơi, dụng cụ học tập, mặt bàn, ghế, sàn nhà… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Cách ly người bệnh tại nhà cho đến khi khỏi bệnh (ít nhất 7-10 ngày). Khi có bất cứ dấu hiệu bất thường nào, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhà để được khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Nguồn: Suckhoequangninh.vn
https://suckhoequangninh.vn/chu-dong-phong-benh-tay-chan-mieng-dang-vao-mua/?fbclid=IwAR2yKt5mLUoVpaya54faCcQCL-fgNgeuV7M9klvdLhm3LYdibmQyOwcf4oI