Mối nguy hiểm từ ăn con so biển
Mối nguy hiểm từ ăn con so biển
Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong giai đoạn 2010-2019, toàn quốc ghi nhận 33 vụ ngộ độc do độc tố tự nhiên có trong so biển, khiến 69 người mắc, 58 người nhập viện điều trị và 18 người tử vong.
Từ đầu năm 2020 đến nay, toàn quốc đã ghi nhận 3 vụ ngộ độc do độc tố tự nhiên trong so biển, làm 12 người mắc, 11 người nhập viện điều trị và 1 người tử vong.
Tại thành phố Móng Cái, 6 tháng đầu năm đã ghi nhận 02 vụ ngộ độc do độc tố tự nhiên trong so biển, làm 04 người mắc và nhập viện điều trị, không có trường hợp tử vong.
Người dân cần thận trọng phân biệt giữa con so và con sam khi sử dụng để chế biến món ăn. Trong ảnh là con sam biển.
Theo Cục An toàn thực phẩm, chất độc giết người trong loài so biển là tetrodotoxin. Những vụ ngộ độc thức ăn do tetrodotoxin thường rất nặng. Đây là chất cực độc giống độc tố của cá nóc, chất độc này tan trong nước, không bị nhiệt phá hủy.
Chất độc có thể bị phân hủy trong môi trường kiềm hay axít mạnh, được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa trong khoảng 10-15 phút, đạt nồng độ cao nhất trong máu sau 20 phút và chỉ vài giờ sau khi ăn, các triệu chứng ngộ độc xuất hiện.
Độc tố này tác động lên thần kinh trung ương, gây tê liệt cơ thể, ngừng tuần hoàn, hô hấp, khiến nạn nhân tử vong nhanh chóng. Hiện nay chưa có thuốc giải độc.
Do đó, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân:
1. Cần thận trọng phân biệt giữa con so và con sam khi sử dụng để chế biến món ăn, tuyệt đối không ăn các món ăn từ con so biển, kể cả thịt và trứng của chúng.
2. Nếu phát hiện người bị ngộ độc do ăn con so biển với các triệu chứng nôn mửa, tê môi, miệng, chân, tay, lơ mơ, trạng thái thần kinh li bì, toàn thân biểu hiện mệt mỏi…nên nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu, cấp cứu kịp thời.
KSDB-YTCC-ATTP