Phòng chống bệnh viêm não vi rút trong mùa hè
Phòng chống bệnh viêm não vi rút trong mùa hè
Theo số liệu giám sát của Bộ Y tế, tính từ đầu năm đến ngày 19/7/2020, toàn miền Bắc đã ghi nhận 229 ca mắc viêm não vi rút, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2019 là 201 ca. Ghi nhận 08 trường hợp tử vong, tại Sơn La 5, Thanh Hóa 2, Điện Biên 1. Tại tỉnh Quảng Ninh, theo số liệu giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến ngày 24/7/2020, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 9 ca viêm não vi rút, trong đó 1 ca dương tính với viêm não Nhật Bản.
Bệnh viêm não vi rút là tình trạng viêm ở nhu mô não, do nhiều loại vi rút gây nên thường để lại di chứng thần kinh và tử vong cao. Biểu hiện bệnh thường biểu hiện sốt, co giật, đau đầu dữ dội, buồn nôn, lú lẫn, mất định hướng, thay đổi nhân cách, rối loạn nghe hoặc nói, có thể xuất hiện ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn hoặc hôn mê.
Hình ảnh viêm màng não
Đối với trẻ nhỏ, các triệu chứng thường không điển hình, có thể chỉ nôn mửa, gồng cứng người, thóp phồng; nếu bệnh nhân còn thóp, khóc không thể dỗ được hoặc khóc tăng lên khi bồng bế hoặc thay đổi tư thế.
Về nguyên nhân mắc và lây truyền bệnh viêm não vi rút, bác sĩ CKI Nguyễn Thị Sơn – Phó trưởng khoa Nhi bệnh viện Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh cho biết:
“Viêm não vi rút do các loại vi-rút gây ra, trong đó có 2 nhóm lớn: Nguyên nhân gây viêm não tiên phát xuất hiện khi vi rút trực tiếp tấn công vào não và tủy sống. Trong đó muỗi là một vectơ truyền bệnh từ chim, động vật gặm nhấm sang người. Điển hình là viêm não Nhật Bản hoặc viêm não do các vi rút khác như Herpes Simplex, EBV,… Nguyên nhân gây viêm não thứ phát do bệnh nhân mắc một số bệnh như sởi, quai bị, rubella, EV71”.
Muỗi là loài vật trung gian lây truyền bệnh viêm não vi rút
Bệnh viêm não vi rút để lại nhiều di chứng nặng nề. Nếu bệnh nhân mắc viêm não vi rút mà không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến tình trạng tổn thương não với các di chứng như: Mất khả năng học tập, mất trí nhớ, mất khả năng kiểm soát vận động cơ, động kinh, thay đổi nhân cách.
Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi mắc viêm não vi rút thường có nguy cơ cao hơn với tình trạng bại não. Trong trường hợp tổn thương nặng đến thân não – nơi trung tâm hô hấp tuần hoàn điều nhiệt thì bệnh nhân có thể tử vong…
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Sơn – Phó trưởng khoa Nhi bệnh viện Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh cho biết:
“Về phòng bệnh thì viêm não bản thân nó không thể phòng ngừa được ngoại trừ các biện pháp phòng ngừa về bệnh lý có thể dẫn đến viêm não. Các bệnh này thường là những bệnh nhiễm trùng thông thường ở trẻ nhỏ như sởi, quai bị, thủy đậu,… Và hiện nay, các bệnh này có thể phòng ngừa hiệu quả bằng tiêm chủng.
Trong những vùng mà viêm não được lây truyền do côn trùng như muỗi thì trẻ em nên tránh chơi ngoài trời lúc bình minh và hoàng hôn – bởi đây là thời điểm muỗi hoạt động mạnh nhất. Phụ huynh chú ý cho trẻ mặc quần áo phủ kín tay chân, mang tất.
Các gia đình cần thực hiện các biện pháp ngăn ngừa muỗi đốt như: dùng các chất xua đuổi côn trùng, nằm màn khi ngủ, vệ sinh môi trường sạch sẽ, phát quang bụi rậm thông thoáng cống rãnh, đậy kĩ các vật dụng chứa nước, loại bỏ dụng cụ thừa có khả năng đọng nước nhằm mục đích loại bỏ nơi cư ngụ của loài muỗi đẻ trứng”.
Vào mùa hè, điều kiện thời tiết thích hợp cho các côn trùng truyền bệnh phát triển, trong đó có bệnh viêm não vi rút rất nguy hiểm. Các gia đình cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh, đồng thời nếu phát hiện các biểu hiện sớm của bệnh phải đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
(Nguồn: suckhoequangninh.vn)