Cảnh báo tai nạn đuối nước ở trẻ em trong mùa Hè
Ngày 23.5.2023, Trung tâm Y tế thành phố Móng Cái tiếp nhận 02 bệnh nhân Vi Thị V và Hoàng Mai L (9 tuổi, xã Vạn Ninh – Móng Cái) vào viện cấp cứu do đuối nước. Nhờ được người lớn phát hiện và đưa vào viện cấp cứu kịp thời, ngày hôm sau sức khỏe hai cháu đã ổn định.
Ngày 23.5.2023, Trung tâm Y tế thành phố Móng Cái tiếp nhận 02 bệnh nhân Vi Thị V và Hoàng Mai L (9 tuổi, xã Vạn Ninh – Móng Cái) vào viện cấp cứu do đuối nước. Nhờ được người lớn phát hiện và đưa vào viện cấp cứu kịp thời, ngày hôm sau sức khỏe hai cháu đã ổn định.
Hai cháu bé bị đuối nước được theo dõi, điều trị tại Trung tâm y tế TP Móng Cái, hiện sức khỏe ổn định
Theo kết quả theo dõi những năm gần đây, trong mùa hè trên địa bàn thành phố đều xảy ra trường hợp trẻ bị đuối nước, có cả trường hợp tử vong do không được phát hiện, cứu giúp kịp thời.
Những vụ đuối nước nguyên nhân chủ yếu là trời nắng nóng, trẻ em thường đến những nơi có nguồn nước ở sông, suối, ao hồ… để vui chơi, trong khi nhiều trẻ không biết bơi, chưa có những kỹ năng cần thiết để phòng ngừa đuối nước. Kể cả khi trẻ biết bơi lội nhưng do sự chủ quan nên cũng không lường trước hết được sự nguy hiểm của tai nạn đuối nước.
Hiện nay thời tiết đã vào hè, tiềm ẩn nhiều nguy cơ trẻ bị đuối nước khi ra sông, suối, ao hồ… để tắm và vui chơi. Vì vậy, mỗi người dân cần trang bị thêm cho mình kiến thức về cách phòng tránh và kĩ năng xử trí tai nạn đuối nước để vận dụng vào thực tế khi gặp các tình huống này xảy ra.
Một số biện pháp phòng tai nạn đuối nước ở trẻ em:
- Trẻ em khi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên; không được đi tắm, bơi ngoài sông, suối mà không có người lớn biết bơi đi kèm. Khi bơi phải có phao bơi an toàn.
- Không cho trẻ chơi, đùa nghịch quanh ao, hồ, hố sâu để tránh bị ngã, rơi xuống hố.
- Ở nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có (như vùng phải tích trữ nước ngọt để dùng) nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.
- Đối với những nhà có hồ bơi nên rào kín xung quanh và cửa có khóa để trẻ em không mở cửa được, có hệ thống báo động khi trẻ em vào.
- Nên cho trẻ tập bơi sớm (trên 4 tuổi).
Cách xử trí khi cấp cứu tại chỗ trẻ bị đuối nước:
Trẻ bị đuối nước có thể ngạt thở, dẫn đến tử vong nhanh chóng. Vài phút đầu là thời gian vàng để cấp cứu trẻ đuối nước. Việc sơ cứu tại chỗ đúng kỹ thuật là điều quan trọng nhất để cứu sống trẻ, tránh được di chứng não nặng nề sau này.
- Cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước, đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí. Sau đó, người sơ cứu phải lay gọi trẻ. Nếu trẻ không đáp ứng hoặc khi quan sát lồng ngực, thấy không di động, tức là trẻ đã ngưng thở. cần nhanh chóng ấn tim và hà hơi thổi ngạt cho trẻ. Việc ép tim, thổi ngạt nên làm trong khoảng 5-10 phút.
- Nếu không hiệu quả, nên gọi cấp cứu 115 và tiếp tục ép tim, thổi ngạt trong khi chờ nhân viên y tế đến cấp cứu nâng cao. Nếu tự di chuyển, nên đặt trẻ lên mặt phẳng cứng, lúc này cũng tiếp tục ép tim, thổi ngạt cho đến khi đến được cơ sở y tế gần nhất.
- Trong trường hợp đưa trẻ lên bờ, thấy trẻ phản ứng đáp lại hoặc khóc có nghĩa là trẻ vẫn còn thở được. Lúc này, việc cần làm là nhanh chóng lau khô người trẻ, ủ ấm và đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Trên đường đi, trẻ được đặt ở tư thế nằm nghiêng để đờm nhớt chảy ra ngoài.
- Người nhà phải liên tục quan sát lồng ngực của trẻ, nếu thấy bất động cần thực hiện ngay thao tác ấn tim, hà hơi thổi ngạt.