Phòng bệnh và vệ sinh môi trường sau mưa lũ
Phòng bệnh và vệ sinh môi trường sau mưa lũ
Hiện nay, nhiều đợt mưa kéo dài và xảy ra trên diện rộng đã dẫn đến tình trạng úng lụt tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đây cũng là thời điểm nguy cơ bùng phát các dịch bệnh sau mưa lũ đe dọa đến sức khỏe cộng đồng.
Trong và sau mưa bão, lũ lụt, vô số các vi sinh vật, rác, chất thải, xác động vật… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ như: sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, các bệnh ngoài da, đau mắt đỏ…
Rác, chất thải, xác động vật… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh
Để chủ động phòng tránh dịch bệnh trong mùa mưa lũ,người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh và xử lý môi trường, nguồn nước như sau:
Phòng bệnh đau mắt đỏ: Không lau rửa hoặc tắm nước bẩn. Tra thuốc nhỏ mắt Cloramphenicol 0,4% đối với những người có nguy cơ tiếp xúc với nước bẩn. Không dùng chung chậu, khăn mặt.
Phòng bệnh ngoài da: Không tắm, gội và giặt quần áo bằng nước bẩn. Không mặc quần áo ướt. Hạn chế lội vào chỗ nước bẩn, nếu phải lội vào nước bẩn thì cần rửa ngay bằng nước sạch và lau khô, đặc biệt là các kẽ ngón chân, ngón tay, sau đó bôi ngay thuốc sát trùng phòng nước ăn chân, tay.
Phòng bệnh đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn… bằng cách: Thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm và sau khi đi vệ sinh.
Phòng bệnh do muỗi truyền như Sốt rét, Sốt xuất huyết… bằng cách: Loại bỏ đồ vật chứa nước tù đọng, đậy kín các dụng cụ chứa nước sạch vì đây là nơi trú ẩn, sinh sôi của muỗi truyền bệnh. Tích cực diệt ruồi, muỗi, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân sạch sẽ,… Nằm ngủ phải mắc màn kể cả ban ngày.
Xử lý nguồn nước
Trước khi bão lụt: Dùng ni lông dày, không thủng phủ kín miệng giếng, (đối với giếng đào), vòi giếng (đối với giếng khoan) và buộc chặt bằng dây cao su.
Xử lý nước trong khi lũ: Trong mùa lũ lụt, trường hợp giếng bị ngập không có nước dự trữ thì phải lấy nước ngập lụt xử lý để sử dụng sinh hoạt theo 2 bước sau:
Bước 1: Làm trong nước
Đựng nước vào xô, thùng dùng phèn chua với liều lượng 1g phèn chua (1 mẩu bằng đầu ngón tay) cho 20 lít nước: hòa tan phèn, khuấy đều vào nước, chờ nước trong gạn lấy phần nước sạch để sử dụng. Nếu không có phèn chua thì dùng vải sạch để lọc nước, giữ lại các cặn bẩn, làm vài lần cho đến khi được nước trong.
Bước 2: Khử trùng nước
Dùng 1 viên Cloramin B loại 250mg cho vào thùng đựng 25 lít nước. Khuấy đều cho tan hết lượng hoá chất, sau 30 phút mới sử dụng.
Hoặc dùng 1 viên Aquatabs loại 67mg cho vào thùng đựng 20 lít nước, cần chờ viên thuốc hòa tan hoàn toàn trong nước ít nhất 30 phút trước khi sử dụng, không cần nghiền nát viên thuốc vì nó tự tan, làm sạch nước.
Xử lý môi trường
Nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Vì nếu không làm kịp thời thì sẽ khó đẩy được phù sa ra khỏi nhà, sân và đường đi.
Khi nước rút hết môi trường bị ô nhiễm nặng, có mùi tanh thối do xác súc vật, côn trùng, cây cối chết thối rữa… Do đó, cần phải khơi thông cống rãnh, các nút đọng tắc, lấp vũng nước đọng, chôn lấp xác súc vật và tẩy uế.
Mưa lớn, kéo dài nước tràn vào nhà dân tại tổ 25B khu 3 phường Cao Thắng, Hạ Long
Xử lý xác súc vật chết
Uớc lượng khối lượng xác súc vật chết cần xử lý.
Chọn vị trí chôn xác súc vật ở ngoài đồng cách xa nguồn nước ít nhất 50m. Đào hố chôn xác súc vật ở độ sâu ít nhất phải trên 0,8m, đổ 3-5 kg vôi bột hoặc phun Chloramine B nồng độ cao rồi lấp đất lèn chặt, rào kỹ lại tránh súc vật đào bới.
Khử trùng nơi có xác súc vật chết: Sau khi chuyển xác súc vật đi chôn phải phun thuốc khử trùng hoặc rải vôi bột nơi có xác súc vật chết. Nếu không có vôi, hoá chất khử trùng thì dùng rác khô đốt nơi súc vật chết. Hằng ngày phải kiểm tra nơi chôn xác súc vật xem có bị súc vật hoặc chuột bọ đào bới hay không. Nếu phát hiện có mùi hôi thối hoặc bị đào bới thì phải lấp lại ngay.
Dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, phơi khô quần áo, không treo, mắc quần áo ẩm ướt vào một chỗ dễ làm nơi trú ẩn cho muỗi.
Khử khuẩn dụng cụ và nền nhà bằng Cloramin B
Khử trùng bề mặt, vật dụng: Dùng dung dịch nồng độ 0,5% clo hoạt tính để lau nền nhà, bề mặt đồ vật, vật dụng…
Khử trùng đồ dùng: Ngâm đồ cần khử khuẩn vào dung dịch nồng độ 0,5% Clo hoạt tính trong 1 – 2 giờ, sau đó rửa lại bằng nước sạch.
Nguồn: suckhoequangninh.vn