Khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng chống bệnh dại trên người
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể lây từ động vật sang người, chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh dại. Cho đến nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị mắc bệnh dại gần như tử vong 100%.
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể lây từ động vật sang người, chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh dại. Cho đến nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị mắc bệnh dại gần như tử vong 100%.
Bệnh dại nguy hiểm, nhưng có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc-xin và huyết thanh kháng dại.
Để chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp: tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm; diệt ngay chó và động vật lên cơn dại hoặc nghi mắc bệnh dại trong khu vực ổ dịch. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo. Người bị chó, mèo cắn phải đi tiêm vắc-xin phòng sớm và đầy đủ các mũi tiêm theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Người dân tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với bệnh Dại và cần thực hiện tốt các biện pháp khuyến cáo sau:
1. Cách phòng bệnh tốt nhất là phải tiêm phòng 100% cho chó, mèo đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
2. Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.
3. Diệt chó chạy rông, chó vô chủ.
4. Không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi.
5. Khi phát hiện trường hợp chó nghi Dại, chó cắn nhiều người, hoặc nhiều chó, mèo trên địa bàn ốm, chết không rõ nguyên nhân cần báo ngay với chính quyền địa phương, cơ quan y tế hoặc thú y trên địa bàn.
6. Khi bị chó, mèo cắn cần:
- Rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút.
Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường, cồn, rượu, dầu gội, bột giặt,.... Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để phòng chống bệnh Dại.
- Vết thương cần được rửa sạch với cồn 40-70 độ hoặc cồn iod.
- Không làm dập nát vết thương (nặn máu) và không khâu kín hoặc băng kín vết thương.
- Tuyệt đối không tự chữa tại nhà bằng thuốc lá dùng để đắp, rắc vào vết thương.
- Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng Dại kịp thời, tiêm càng sớm càng tốt. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh Dại.
Tại Trung tâm y tế thành phố Móng Cái luôn đảm bảo lượng vắc xin và huyết thanh kháng Dại, bố trí nhân viên y tế trực phục vụ nhu cầu tư vấn, tiêm phòng bệnh Dại cho người dân địa bàn.
Người dân có nhu cầu tư vấn, tiêm phòng bệnh Dại hãy liên hệ với nhân viên y tế hoặc đến trực tiếp phòng tiêm của Trung tâm:
- Địa chỉ: Phòng tiêm dịch vụ - Khu nhà C (khu nhà điều hành) Trung tâm y tế thành phố Móng Cái.
- Điện thoại: BS. Hoàng Thị Ly – Điện thoại :0962.918.667; YS. Nguyễn Thành Công – Điện thoại: 0975.324.668.