PHÒNG CHỐNG BỆNH TAY CHÂN MIỆNG ĐẦU NĂM HỌC MỚI
PHÒNG CHỐNG BỆNH TAY CHÂN MIỆNG ĐẦU NĂM HỌC MỚI
Bệnh Tay Chân Miệng là một bệnh truyền nhiễm do vi-rút gây ra, có biểu hiện đặc trưng là sốt và mụn nước thường thấy xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và ở bên trong miệng.
Các biến chứng thường gặp của bệnh tay chân miệng là: viêm màng não, liệt, viêm cơ tim, phù phổi cấp. Các biến chứng có thể xảy ra cùng lúc trên một bệnh nhân, diễn tiến nhanh và gây nguy cơ tử vong rất cao.
Nguy hiểm hơn là khi có biến chứng não, trẻ thường không hôn mê sâu mà có.những triệu chứng khó nhận biết như khó ngủ, quấy khóc liên tục, giật mình lúc thức hay lúc.bắt đầu thiu thiu ngủ. Trẻ có thể biểu hiện hốt hoảng, nói lảm nhảm, run chân tay, co giật.
Ngoài ra, còn có một số triệu chứng khác có thể thấy khi có biến chứng.như: sốt rất cao, nôn nhiều, mạch đập nhanh, yếu tay chân, méo miệng… Khi trẻ có biến chứng nếu không xử lý đúng và kịp thời có thể gây tử vong trong vài giờ.
Những biến chứng nguy hiểm trên sẽ không xuất hiện nếu cha mẹ phát hiện bệnh sớm và có biện pháp điều trị đúng cách cho con.
Để tích cực phòng chống, giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh tay chân miệng đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em, học sinh, ngay từ đầu năm học mới, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo các thầy cô, các bậc phụ huynh, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:
1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
( Hình ảnh trẻ mắc Tay chân miệng)